[Trọng tâm học tập của bài này]
  1. Nguyên nhân gây té ngã bao gồm: tình trạng cơ thể, thuốc, môi trường, nhận thức và các yếu tố khác.
  2. Với những người có nguy cơ té ngã cao, để phòng ngừa té ngã, khi xuống giường vận động hoặc ngồi xe lăn cần phải thực hiện từ từ, và phải có người chăm sóc luôn ở bên cạnh hỗ trợ.
  3. Với những người có nguy cơ té ngã, biện pháp chăm sóc sức khỏe thường ngày nên căn cứ vào khả năng cá nhân để lựa chọn các hoạt động gia tăng lực cơ chân và cảm giác thăng bằng.
 
Tại sao phải phòng ngừa té ngã?
Té ngã là  khi cơ thể mất vị trí thăng bằng bình thường, và ngã xuống đất một cách không tự chủ. Nếu người bệnh bị ngã dẫn đến bị thương khi đang nằm viện, thì có thể sẽ bị biến chứng khiến bệnh tình tiến triển xấu đi, thậm chí sẽ kéo dài thời gian nằm viện. Phòng ngừa té ngã là để đảm bảo an toàn và tránh tổn thương cho người bệnh.
 
Nguyên nhân gây té ngã:
  1. Tình trạng cơ thể của người bệnh: Là trường hợp người bệnh do tuổi cao cơ thể thoái hóa hoặc do tình hình bệnh tật khiến dễ bị té ngã, ví dụ như: chóng mặt, bước không vững, cơ thể yếu ớt.
  2. Ảnh hưởng của thuốc hoặc gây mê/gây tê: Là trường hợp do tác dụng phụ của các loại thuốc như thuốc ngủ, thuốc chống trầm cảm, thuốc lợi tiểu, thuốc hạ huyết áp, thuốc hạ đường huyết,… dẫn đến hoa mắt, chóng mặt, tụt huyết áp, yếu tay chân.
  3. Yếu tố môi trường có hại: Là trường hợp trong môi trường chăm sóc người bệnh có xuất hiện những nhân tố bất lợi khiến người bệnh bị té ngã, như: sàn nhà trơn ướt, đồ đạc để bừa bãi khiến người bệnh vấp ngã, sàn nhà có chênh lệch độ cao, chiếu sáng không đủ.
  4. Các yếu tố khác: Là các nguyên nhân gây té ngã khác ngoài các nguyên nhân nêu trên, ví dụ như rối loạn bài tiết: tiểu nhiều lần, đại tiểu tiện không tự chủ.
  5. Yếu tố về nhận thức: Người chăm sóc hoặc người bệnh không ý thức được nguy cơ té ngã, hoặc cho rằng khi xuống giường không muốn làm phiền người khác, ngại không muốn nhờ người khác hỗ trợ.
     
Lưu ý với bệnh nhân đang nằm viện và người chăm sóc:
  1. Cách sử dụng xe lăn
    1. Trước khi xuống giường để ngồi xe lăn, cần đưa xe lăn đến chỗ đuôi giường, sao cho xe lăn và đuôi giường song song với nhau hoặc làm thành một góc 45 độ.
    2. Cố định xe lăn, gấp tấm để chân lại.
    3. Hỗ trợ người bệnh ở trên giường từ từ ngồi ra mép giường, di chuyển người bệnh lên xe lăn, cuối cùng hạ tấm đặt chân xuống.
    4. Nếu cần đưa người bệnh từ xe lăn lên giường, thì phải thực hiện từ mục 1 đến 2 nêu trên.
    5. Khích lệ người bệnh khi đứng hãy cố gắng dùng bên chân khỏe hơn để hỗ trợ nâng đỡ trọng lượng cơ thể.
    6. Sau khi chắc chắn người bệnh đã đứng vững, mới hỗ trợ người bệnh từ từ ngồi hẳn vào mép giường rồi trở về tư thế nằm thoải mái.
  2. Cách xuống giường
    1. Từ từ xuống giường vận động: Nâng cao đầu giường lên, để người bệnh chuyển dần từ tư thế nằm sang tư thế ngồi, sau đó nếu không có cảm giác khó chịu thì mới từ từ xuống giường.
    2. Khi xuống giường hoặc thay đổi tư thế, động tác cần phải chậm rãi.
    3. Càng sớm xuống giường vận động càng tốt, có thể tăng dần thời gian xuống giường vận động.
    4. Để tiện cho người bệnh xuống giường, trước hết cần kéo dựng lan can phía bên kia giường (cách xa người chăm sóc) lên, không dựng cùng lúc cả hai lan can, để tránh cản trở đến động tác xuống giường của người bệnh. Nhưng đối với trường hợp người bệnh không tỉnh táo, chưa tỉnh hẳn sau khi gây mê hoặc người cao tuổi, thì phải kéo dựng cả hai lan can giường lên và cố định chắc chắn.
  3. Lưu ý khi đi vệ sinh
    1. Nếu trong nhà vệ sinh không đủ ánh sáng thì phải bật đèn nhà vệ sinh lên.
    2. Cẩn thận ngưỡng cửa nhà vệ sinh, tránh vấp ngã.
    3. Chú ý cẩn thận xem sàn bên trong và ngoài nhà vệ sinh có bị ướt không.
    4. Khi đi vệ sinh, động tác ngồi xuống và đứng lên phải thật chậm rãi.
    5. Bồn nước tiểu phải được đặt ở nơi dễ lấy và tránh để người bệnh phải thay đổi tư thế quá mức.
    6. Buổi tối phải đi vệ sinh trước khi uống thuốc ngủ, sau khi uống thuốc ngủ xong, nếu người bệnh cần đi vệ sinh thì phải có người nhà luôn ở bên hỗ trợ.
  4. Những lưu ý khác
    1. Các đồ dùng thường xuyên sử dụng nên đặt trong tầm nhìn của người bệnh và phải dễ lấy được.
    2. Người nhà cần xếp đặt gọn gàng ngăn nắp các đồ vật xung quanh giường, không để bừa bãi trên sàn nhà, tránh làm người bệnh vấp ngã.
    3. Ban đêm bật đèn ngủ để duy trì ánh sáng vừa phải.
    4. Người bệnh nên mặc quần áo kích thước phù hợp, giày dép cũng nên có kích thước thích hợp, chắc chắn, đế dày, chống trơn trượt và gót thấp.
    5. Có thể nhấn chuông gọi ở đầu giường hoặc gọi điện thoại ở đầu giường để được trợ giúp khi cần.
    6. Nếu người bệnh bước đi không vững thì khi xuống giường vận động cần có người đi cùng, và để người bệnh sử dụng nạng hoặc khung tập đi.
       
Nguyên tắc chăm sóc sau khi về nhà:
  1. Tăng cường các biện pháp chăm sóc sức khỏe thường ngày
    1. Tùy vào khả năng cá nhân để lựa chọn thực hiện các hoạt động gia tăng lực cơ chân và cảm giác thăng bằng, ví dụ như: khí công, bài thể dục phòng ngừa té ngã.
    2. Hiểu rõ tác dụng phụ của những loại thuốc điều trị bệnh mãn tính thường dùng (như thuốc hạ huyết áp, thuốc an thần, thuốc ngủ,...); sau khi uống thuốc nếu muốn xuống giường vận động thì động tác phải thật chậm rãi.
  2. Cải thiện môi trường chăm sóc tại nhà
    1. Cải thiện không gian hoạt động: Tốt nhất nên tránh thay đổi vị trí của đồ đạc trong nhà, giữ cho lối đi thông thoáng, không đặt hoặc chất đống đồ đạc bừa bãi trên sàn nhà; giữ cho sàn phòng tắm và nhà vệ sinh luôn khô ráo hoặc trải thêm thảm chống trơn trượt.
    2. Tăng cường chiếu sáng: Những nơi thường xuyên đi lại hoặc dễ té ngã như cầu thang, lối đi, phòng tắm, phòng ngủ,... phải có đủ ánh sáng, ban đêm phải để đèn ngủ.
    3. Cơ sở vật chất trang bị phù hợp: Giá/kệ để đồ nên được đặt ở vị trí phù hợp, nhà vệ sinh và cầu thang phải có tay vịn, sàn nhà tốt nhất nên dùng vật liệu mềm (như: gỗ) hoặc trải thêm đệm mềm, thảm sàn và cố định chắc chắn; bàn ghế và giường phải duy trì ở độ cao phù hợp.
  3. Đồ dùng cá nhân phù hợp
    1. Quần áo: Tốt nhất nên sử dụng quần áo bằng chất liệu cotton, thoáng khí. Áo phải có kích thước vừa phải, không quá rộng hoặc có đai thắt lưng quá dài; quần không được quá rộng hay quá chật; giày dép phải vững chãi, mềm, đế dày, chống trơn trượt, nếu đế giày bị mòn thì phải mau chóng sửa hoặc thay mới.
    2. Dụng cụ hỗ trợ: Cần phải đeo kính để nhìn xa/nhìn gần theo nhu cầu; sử dụng nạng, khung tập đi, xe lăn và các dụng cụ hỗ trợ do chuyên gia điều chỉnh theo tình trạng chức năng cơ thể.
 
The text was translated by UNIVERSAL LINK CO., LTD.
 
 
 
 
 
    Kiểm Tra
    Vui lòng thử trả lời các câu hỏi sau
    Nursing Instruction Satisfaction
    Please log in to rate