[Trọng tâm học tập của bài này]
  1. Thời gian ủ bệnh trung bình của virus đường ruột (Enterovirus) là 3~5 ngày, khả năng lây nhiễm mạnh nhất là trong vòng 1 tuần sau khi phát bệnh.
  2. Đường lây truyền chủ yếu là qua đường tiêu hóa hoặc đường hô hấp.
  3. Triệu chứng tương tự như cảm lạnh thông thường, miệng và lưỡi có nhiều vết loét, ở chân tay có thể nổi mẩn đỏ và mụn nước nhỏ.
  4. Hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu, cũng chưa có vắc xin để tiêm, chủ yếu là tiến hành điều trị hỗ trợ.
 
Virus đường ruột là gì?
Virus đường ruột (Enterovirus) là tên gọi chung cho một nhóm virus. Nhóm virus này có ở khắp mọi nơi trên thế giới, thường xuất hiện nhiều vào thời điểm giao mùa Xuân - Hè. Đài Loan do nằm trong vùng cận nhiệt đới nên các ca nhiễm bệnh có thể xuất hiện quanh năm. Lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa hoặc đường hô hấp, ngoài ra có thể lây qua tiếp xúc với dịch tiết của mụn nước trên da bệnh nhi. Thời kỳ ủ bệnh là khoảng 2~10 ngày, trung bình khoảng 3~5 ngày. Vài ngày trước khi khởi phát bệnh, virus ở trong cổ họng và phân là đã có khả năng lây truyền, thông thường lây lan mạnh nhất trong vòng 1 tuần sau khi phát bệnh.
 
Các triệu chứng thường gặp:
Virus đường ruột có thể gây ra nhiều loại bệnh, một số bệnh sẽ dẫn đến sốt hoặc các triệu chứng tương tự như cúm thông thường, các biểu hiện lâm sàng thường gặp như:
  1. Bệnh tay chân miệng: Trên niêm mạc miệng, vòm miệng, nướu hoặc lưỡi có nhiều vết loét; ở tay, chân và các bộ phận khác xuất hiện các nốt ban đỏ hơi nổi lên, phần lớn các nốt ban đều có mụn nước nhỏ ở đỉnh; cũng có các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, chán ăn, v.v.
  2. Viêm họng mụn nước: Trong họng xuất hiện mụn nước, sau 2~3 ngày sẽ vỡ ra và biến thành vết loét, có hiện tượng đau họng và chảy nước dãi, cũng có thể bị sốt, nôn mửa, chán ăn, v.v.
Có các triệu chứng trên cũng chưa chắc là bị nhiễm virus đường ruột. Nếu trẻ có các triệu chứng trên, vui lòng đến Phòng khám ngoại trú Khoa Y tế Nhi đồng để khám điều trị.
 
Phương pháp điều trị phổ biến:
Hiện nay chưa có thuốc đặc trị virus đường ruột, cũng không có vắc xin để tiêm phòng, chủ yếu là tiến hành điều trị hỗ trợ như hạ sốt, truyền dịch để bổ sung nước, v.v. Đa phần bệnh nhi sẽ tự khỏi sau 7~10 ngày, chỉ có một số ít bệnh nhi xuất hiện các biến chứng nặng. Virus đường ruột có rất nhiều loại, sau khi nhiễm virus này xong không có nghĩa là sẽ không bị lây nhiễm loại virus khác; thông thường những người từng nhiễm virus đường ruột sẽ không thể miễn dịch suốt đời, mà vẫn có khả năng tái nhiễm. 
 
Nguyên tắc chăm sóc:
  1. Để bệnh nhi nghỉ ngơi đầy đủ, giảm vận động.
  2. Cho bệnh nhi ăn thức ăn mát và mềm, để giảm cảm giác đau trong khoang miệng.
  3. Nếu bệnh nhi thường xuyên chảy nước dãi, cần tránh các thức ăn gây kích thích và luôn chú ý vệ sinh răng miệng sạch sẽ.
  4. Nếu bệnh nhi bị loét miệng đau miệng không muốn ăn uống, thì cần chú ý bổ sung nước, nếu cần thiết thì phải đưa trẻ đến cơ sở y tế điều trị, để bác sĩ đánh giá có cần truyền dịch hay không.
  5. Bệnh nhi và người chăm sóc đều phải tăng cường vệ sinh tay; vì virus đường ruột có cấu trúc không sợ cồn, dùng nước rửa tay chứa cồn sẽ không tiêu diệt được chúng, do đó không thể chỉ sử dụng nước rửa tay khô, mà phải dùng xà bông rửa sạch tay với nước đúng theo các bước “ Ướt, Chà, Rửa, Xả, Lau”,  để giảm thiểu nguy cơ lan truyền virus.
  6. Trẻ nhỏ từ 5 tuổi trở xuống là nhóm nguy cơ cao, nếu xuất hiện các triệu chứng nặng do nhiễm virus đường ruột, như: lơ mơ buồn ngủ, không tỉnh táo, kém hoạt bát, thở gấp, tim đập nhanh, nôn mửa liên tục, co giật, v.v., thì phải mau chóng đưa đến cơ sở y tế.
  7. Biện pháp phòng ngừa bao gồm tăng cường vệ sinh cá nhân và môi trường, tránh đến những nơi công cộng đông người, không tiếp xúc với bệnh nhi nghi bị nhiễm virus; rửa sạch tay bằng xà bông trước và sau khi tiếp xúc với bệnh nhi; chú ý chế độ dinh dưỡng, ăn uống và tập thể dục điều độ.
 
 
 The text was translated by UNIVERSAL LINK CO., LTD.
 
 
 

 
    Kiểm Tra
    Vui lòng thử trả lời các câu hỏi sau
    Nursing Instruction Satisfaction
    Please log in to rate