[Trọng tâm chăm sóc trong bài này]
  1. Da tiếp xúc dài ngày với sự kích thích của phân và nước tiểu, sẽ dễ gây viêm da do đại tiểu tiện không tự chủ.
  2. Đáy chậu, lỗ hậu môn, mông, rãnh mông hoặc bẹn là những vị trí thường bị viêm da do đại tiểu tiện không tự chủ.
  3. Giữ cho da sạch sẽ, khô ráo và thông thoáng, có thể ngăn ngừa viêm da do đại tiểu tiện không tự chủ.
Viêm da do đại tiểu tiện không tự chủ là gì?
Là tình trạng da tiếp xúc lâu ngày với sự kích thích của phân và nước tiểu, khiến cấu trúc bề mặt da bị phá vỡ, dẫn đến giảm khả năng bảo vệ của da, gây viêm da.
 
Triệu chứng của viêm da do đại tiểu tiện không tự chủ?
Thời kỳ đầu sẽ có hiện tượng da nổi mẩn đỏ không đều, có các nốt rách da nhỏ, da ngứa, đau, rát, sưng đỏ, v.v., trường hợp nghiêm trọng sẽ dẫn đến rách da, lở loét. Thường xảy ra ở vùng đáy chậu, lỗ hậu môn, mông, rãnh mông hoặc bẹn, v.v. 
 
Những ai dễ bị viêm da do đại tiểu tiện không tự chủ?
Những người không thể tự vận động, phải mặc tã (bỉm) trong thời gian dài, hoặc những người bị tiêu chảy liên tục và bị đại tiểu tiện không tự chủ.
 
Cần chuẩn bị những vật dụng gì để phòng ngừa viêm da do đại tiểu tiện không tự chủ?
      Để phòng ngừa viêm da do đại tiểu tiện không tự chủ, cần làm tốt ba trọng tâm chính sau đây:
  1. Vệ sinh
    1. Nước ấm hoặc dung dịch vệ sinh dạng xịt khô có tính axit yếu (PH: 4.9~5.5; gần với độ axit yếu của da). Dung dịch vệ sinh này giúp giảm sự cọ xát của da, duy trì độ axit yếu cho da, nâng cao khả năng bảo vệ da.
    2.  Khăn giấy ướt trung tính: Thành phần không chứa cồn, giúp giảm tổn thương cho da.
  2. Bảo vệ
    1.  Kem bảo vệ da: Giúp giảm thiểu tổn thương da do tiếp xúc với chất bài tiết, đồng thời bảo vệ cho vùng da bị cọ xát.
    2. Vaseline: Giảm hoặc cách ly chất bài tiết khỏi tiếp xúc với da, bảo vệ cho vùng da chưa bị viêm loét. 
    3.  Bột rắc vết thương: Nếu vị trí viêm da do đại tiểu tiện không tự chủ có tiết dịch, thì sử dụng bột rắc vết thương sẽ giúp thấm hút dịch tiết, giảm kích ứng, thúc đẩy vết thương mau lành.
    4. Thuốc xịt chống hăm loét: Không chứa cồn, không gây kích ứng, có chức năng chống thấm nước, thoáng khí, có thể ngăn cách sự kích thích của phân hoặc nước tiểu; nhưng chú ý không được dùng cho vùng da có vết thương tỳ đè. (Đọc mở rộng: Chăm sóc vết thương tỳ đè )
    5. Gạc ưa nước.
  3.  Thông gió
    1. Tã/quần giấy thấm hút tốt và thoáng khí: Tránh để da tiếp xúc thời gian dài với chất bài tiết, nhằm cải thiện sự thông thoáng cho da, tăng cường độ dẻo dai cho da; người bệnh nằm liệt giường nếu không cần mặc tã/quần giấy, thì có thể chỉ dùng tấm lót điều dưỡng, để cho vùng da cục bộ được thoáng khí.
Các bước phòng ngừa và chăm sóc viêm da do đại tiểu tiện không tự chủ:
  1. Rửa tay trước và sau khi vệ sinh da.
  2. Vứt bỏ tã giấy hoặc tấm lót đã bị bẩn.
  3. Dùng nước ấm hoặc dung dịch vệ sinh dạng xịt khô không cần nước để xịt vào vùng đáy chậu hoặc lỗ hậu môn, hoặc xịt dung dịch vệ sinh nêu trên lên khăn giấy ướt, rồi dùng khăn giấy ướt đó để lau thấm sạch chất bài tiết ở vùng đáy chậu và quanh hậu môn, nhằm giảm thiểu cọ sát với da.
  4. Sử dụng sản phẩm bảo vệ da:
    1. Trường hợp da nguyên vẹn: Vệ sinh và lau khô da, sau đó lấy một lượng kem bảo vệ da bằng hạt đậu phộng (lạc) hoặc dùng Vaseline thoa đều lên vùng đáy chậu hoặc lỗ hậu môn.
    2. Trường hợp da bị rách: Vệ sinh và lau khô da, sau đó kéo mở các nếp gấp da, dùng bột rắc vết thương xịt một lớp mỏng lên vùng da có vết thương, cầm lọ thuốc cách vết thương từ 10~20cm để xịt cho đều. Sau đó dùng thuốc xịt chống hăm loét, cũng xịt đều ở khoảng cách từ 10~20cm, đợi thuốc khô là có thể xịt một lớp mỏng bột rắc vết thương, rồi lại đến thuốc xịt chống hăm loét, làm như vậy 2~3 lượt sau đó có thể mặc tã.
Nguyên tắc phòng ngừa và chăm sóc viêm da do đại tiểu tiện không tự chủ
  1. Mỗi 2 giờ đồng hồ, trước khi lăn trở mình thay đổi tư thế một lần cho người bệnh nằm liệt giường, đều phải kiểm tra da vùng đáy chậu và mông.
  2. Nếu thấy có phân hoặc nước tiểu thì phải vệ sinh và thay tã ngay.
  3. Với người bệnh bị nấm da, thì sau khi vệ sinh và lau khô da, có thể thoa thuốc mỡ trị nấm do bác sĩ kê đơn. Chọn dùng tã giấy hoặc tấm lót điều dưỡng dùng một lần có khả năng thấm hút nước và thoáng khí tốt.
  4. Với người bệnh có thể xuống giường đi lại hoặc ngồi xe lăn, cần định kỳ hỗ trợ đưa người bệnh vào nhà vệ sinh để tập đi đại tiện.
  5. Khi nằm trên giường có thể chỉ sử dụng tấm lót điều dưỡng, và áp dụng tư thế nửa nằm nửa ngồi; chỉ khi xuống giường hoặc khi ngồi xe lăn thì mới mặc tã giấy. Như vậy sẽ gia tăng cơ hội để da tiếp xúc với không khí, giúp da duy trì khô ráo, thông gió và thoáng khí, ngăn ngừa tình trạng viêm da do đại tiểu tiện không tự chủ.
  6. Sau khi bơm thức ăn qua đường ống, nếu người bệnh bị tiêu chảy, có thể tìm kiếm tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng để điều chỉnh chế độ ăn hoặc thay đổi tốc độ bơm thức ăn, nhằm giảm nhẹ tình trạng tiêu chảy.
  7. Bệnh nhân mắc chứng tiểu không tự chủ có thể sử dụng chụp tiểu hoặc ống thông tiểu kiểu chụp để giảm thiểu tình trạng ẩm ướt cho da; nhưng cần tránh đặt ống thông tiểu trong thời gian dài, vì như vậy dễ làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
 The text was translated by UNIVERSAL LINK CO., LTD.
 
 
 

 
    Kiểm Tra
    Vui lòng thử trả lời các câu hỏi sau
    Nursing Instruction Satisfaction
    Please log in to rate