[Trọng tâm học tập của bài này]
  1. Vết thương tỳ đè (loét tỳ đè) là do bị đè ép lâu ngày gây ra, nếu không chăm sóc đúng cách thì sẽ làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng và tử vong.
  2. Áp dụng cách thay băng phù hợp theo phân loại mức độ (phân độ) vết thương.
  3. Chú ý sự thay đổi của vết thương, định kỳ tái khám theo dõi và liên hệ với điều dưỡng viên tại nhà.

Tại sao phải chăm sóc vết thương tỳ đè:
Nguyên nhân hình thành vết thương tỳ đè là do da bị chèn ép lâu ngày dẫn đến da bị đỏ, thiếu máu, rách da; vết thương tỳ đè được chia thành các cấp độ khác nhau (Hình 1), thường xảy ra ở vùng da có xương nhô lên hoặc vị trí có liên quan đến sử dụng thiết bị y tế. Nếu vết thương tỳ đè không được chăm sóc tốt, thì không chỉ sẽ gây đau đớn khó chịu, làm gia tăng tỷ lệ nhiễm trùng, mà trường hợp nghiêm trọng thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng.
d7fe415c8f58618d6c85571ae2fee687.png
Hình 1  Phân loại vết thương tỳ đè
 
Chuẩn bị đồ dùng:
  1. Tăm bông vô trùng.
  2. Betadine tan trong nước.
  3. Nước muối sinh lý.
  4. Băng dính giấy (nếu da nhạy cảm thì có thể chọn dùng băng keo chống dị ứng)
  5. Các loại gạc (các cấp độ vết thương tỳ đè khác nhau sẽ thích hợp sử dụng các loại gạc khác nhau).
    1. Gạc xốp: Mềm mại và phẳng như miếng đệm xốp, có độ dính và khả năng khóa giữ nước, giảm áp; giúp giữ ẩm cho vết thương và giảm nhẹ sự đau đớn; thường dùng làm lớp gạc thứ hai cho vết thương tỳ đè cấp độ 1~2 và vết thương tiết dịch nhiều. Ví dụ như sản phẩm Biatain, Mepilex, v.v.
    2. Gạc ưa nước: Có chức năng thoáng khí, bảo vệ, cách ly, giảm áp, duy trì môi trường thuận lợi cho việc lành vết thương; thường dùng làm lớp gạc thứ hai cho vết thương tỳ đè cấp độ 2 và vết thương tiết dịch lượng vừa phải, không bị nhiễm trùng.
    3. Tùy vào tình hình tiết dịch của vết thương, nếu tiết dịch vừa phải thì có thể chọn dùng gạc ưa nước, gạc Alginate, gạc sợi ưa nước; nếu tiết dịch nhiều thì có thể chọn dùng gạc xốp. 
    4. Gel ưa nước và thuốc mỡ Sulfasil: Có chức năng tự làm sạch vết thương, làm ẩm vết thương khô, hoại tử, có thịt thối rữa hoặc vết thương đang hình thành mô hạt; thường được dùng cho vết thương tỳ đè từ cấp độ 3 trở lên.
    5. Gạc kháng khuẩn: Thường chứa ion bạc, khi gạc thấm hút dịch tiết ra từ vết thương, nó sẽ giải phóng ra ion bạc để đạt hiệu quả kháng khuẩn; thường dùng cho vết thương tỳ đè từ cấp độ 3 trở lên và có nhiễm trùng.
    6. Băng phim dính trong suốt: Băng phim bán thấm trong suốt, có tác dụng bảo vệ, chống thấm nước; thường được dùng làm lớp băng ngoài cùng cho vết thương.
Các bước thực hiện:
  1. Rửa tay.
  2. Dùng ngón tay giữ cố định vùng da xung quanh vết thương, gỡ bỏ băng gạc ra.
  3. Dùng tăm bông thấm nước muối sinh lý lau từ giữa vết thương, lau theo vòng tròn từ trong ra ngoài.
  4. Nếu vết thương bị nhiễm bẩn, trước hết dùng nước muối sinh lý rửa sạch, rồi dùng tăm bông tẩm Betadine lau vết thương, để Betadine lưu lại trên da tối thiểu 2 phút hoặc để khô tự nhiên, rồi dùng nước muối sinh lý lau lại vết thương.
  5. Chọn băng gạc phù hợp để che vết thương:
    1. Vết thương cấp 1: Dùng gạc xốp để bảo vệ phòng ngừa, trong quá trình chăm sóc, ít nhất mỗi hai giờ lăn trở mình một lần, để giảm nguy cơ tổn thương da.
    2. Vết thương cấp độ 2: Dùng gạc xốp hoặc gạc ưa nước để che phủ vết thương.
    3. Vết thương tỳ đè cấp độ 3 trở lên không nhiễm trùng: Sử dụng gel ưa nước  hoặc thuốc mỡ Sulfasil  để thoa theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Bóp một lượng gel ưa nước sao cho đầy đến 2/3 lỗ vết thương, mỗi ngày thay gel một lần; thuốc mỡ Sulfasil thoa dày 0.1~0.2cm, mỗi ngày thoa 1~2 lần; lớp ngoài cùng sử dụng băng phim dính trong suốt, gạc xốp, gạc ưa nước (Hình 3) hoặc gạc sợi gốc nước Aquacel để che phủ vết thương.
    4. Vết thương tỳ đè cấp độ 3 trở lên có nhiễm trùng: Sử dụng gel ưa nước hoặc thuốc mỡ Sulfasil để thoa theo hướng dẫn của nhân viên y tế; lớp ngoài cùng sử dụng gạc kháng khuẩn để che phủ, nếu băng gạc bị thấm dịch quá 2/3 diện tích thì phải thay, nếu dịch tiết ít thì 7 ngày thay 1 lần.
       
Nguyên tắc chăm sóc:
  1. 1Số lần thay băng sẽ tùy vào lượng dịch tiết và tình trạng nhiễm trùng của vết thương theo đánh giá của nhân viên y tế.
  2.  Tránh khử trùng vết thương bằng các dung dịch gây kích ứng như oxy già, Betadine chứa cồn và Axit axetic, để tránh làm tổn hại các tế bào khỏe mạnh và gây ảnh hưởng đến việc lành vết thương.
  3. Giữ cho ga trải giường và quần áo sạch sẽ phẳng phiu, tốt nhất nên chọn dùng chất liệu cotton và thoáng khí.
  4. Cứ hai giờ thay đổi tư thế một lần, để tránh chèn ép vết thương.
  5. Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng (Protein, Vitamin A, C, Axit folic) và sử dụng hợp lý các phương tiện hỗ trợ giảm áp lực (gối trở mình, giường đệm hơi), để vết thương mau lành và giảm nguy cơ phát sinh thêm các vết thương tỳ đè khác.
  6. Để ý xem vết thương có bị đen, có mùi hôi hay không, vùng da xung quanh có bị đỏ, sưng, nóng và đau hay không; định kỳ đến phòng khám Ngoại trú khoa Ngoại Chỉnh hình để theo dõi hoặc liên hệ với điều dưỡng viên tại nhà.


    The text was translated by UNIVERSAL LINK CO., LTD.
    Kiểm Tra
    Vui lòng thử trả lời các câu hỏi sau
    Nursing Instruction Satisfaction
    Please log in to rate